Trong lịch sử ngoại khoa, có lẽ chưa có sự thay đổi trang thiết bị nào ảnh hưởng đến phương pháp giải phẫu sâu sắc như phẫu thuật nội soi. Ngay cả các động tác phẫu thuật căn bản như: bóc tách, khâu, cột chỉ v.v…cũng thay đổi hoàn toàn so với phẫu thuật kinh điển vì được thực hiện qua dụng cụ với sự quan sát trên màn hình, thay vì thực hiện bằng tay trong một không gian ba chiều. Năm 1987 Mouret tại Pháp đã thực hiện trường hợp cắt túi mật qua nội soi đầu tiên trên Thế giới, thì tại Mỹ vẫn chưa có trường hợp cắt túi mật nào được thực hiện qua nội soi, mãi đến năm 1992 đã có tới 80% các trường hợp cắt túi mật được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng tại Mỹ.
Phẫu thuật qua nội soi đã thực sự là một cuộc cách mạng trong ngành phẫu thuật. Trong những năm qua đã có một sự bùng nổ về phẫu thuật nội soi vì những ưu điểm rất lớn của kỹ thuật này: Hậu phẫu nhẹ nhàng, thời gian nằm bệnh viện ngắn và tính thẩm mỹ cao v.v…
Sự phát triển của phẫu thuật nội soi đã phải trải qua một quãng thời gian khá dài. Ngay từ thời Hippocrates (năm 460-375 T.C.N) các thầy thuốc đã cố gắng tìm mọi cách để quan sát các lỗ và các hốc tự nhiên của cơ thể. Hippocrates, ông tổ của ngành Y, đã dùng một dụng cụ để banh trực tràng khi thăm khám. Archigenes, một Bác sĩ người Sirya (95-117 TCN) đã sáng chế ra dụng cụ thăm khám âm đạo. Điều rõ ràng là các dụng cụ này thô sơ và không đủ ánh sáng nên không thể đưa sâu vào bên trong các cơ quan để quan sát. Do đó, suốt 2.000 năm qua, kỹ thuật nội soi không phát triển được.
Albukasim (936 –1013), một thầy thuốc người Ả Rập là người đầu tiên dùng ánh sáng phản chiếu để quan sát cổ tử cung. Năm 1600, Peter Borell, người Pháp đã chế ra gương lõm để phản chiếu và hội tụ ánh sáng vào cơ quan cần quan sát. Sau đó Arnaud, một Bác sĩ sản khoa đã dùng đèn lồng để quan sát cổ tử cung. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ thứ 19, kỹ thuật nội soi mới bắt đầu phát triển cho đến ngày hôm nay nhờ vào 3 bước đột phá quan trọng:
- Bước đột phá thứ nhất: là sự phát minh ra bóng đèn đốt nóng bằng dây tóc của Thomas Edison và sự phát triển của hệ thống thấu kính dùng cho kính soi vào thập niên 1870-1880.
- Bước đột phá thứ hai: là sự phát minh ra hệ thống thấu kính hình que của Hopkins vào cuối thập niên 1950 cùng với sợi quang dẫn truyền ánh sáng lạnh vào đầu thập niên 1960.
- Bước đột phá thứ ba: chính là sự phát triển của các mini-camera (máy quay phim nhỏ) có vi mạch điện toán vào thập niên 1980.
Ưu điểm
Phẫu thuật nội soi (Endoscopic Surgery). Với đường mỗ ngắn, thành bụng bị xâm phạm ít nên còn được gọi là Phẫu thuật xâm phạm tối thiểu (Minimally Invasive Surgery). Phẫu thuật nội soi thực hiện được là nhờ có Video nên còn có tên Phẫu thuật có Video trợ giúp (Video-assisted Surgery). Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi là:
- Vết mổ nhỏ có tính thẩm mỹ: Thay vì mở vết mổ rộng, dài như trong phương pháp mỗ mở, trong phương pháp phẫu thuật nội soi các bác sĩ chỉ cần rạch đường mổ ngắn khoảng 1cm để đưa camera vào và 2-3 lỗ để đưa dụng cụ vào, do đó sau khi hồi phục, sẹo vết mỗ nhỏ có tính thẫm mỹ cao hơn phương pháp mỗ hở rất nhiều.
- Hình ảnh được phóng đại, độ chính xác cao: Những hình ảnh trên vùng mổ được quan sát qua màn hình với độ phóng đại 10 lần cho phép quan sát rõ mô cũng như những mạch máu, giúp ích cho các phẫu thuật ở sâu, thao tác ở những phẫu trường hẹp. Những hình ảnh được ghi hình liên tục trong suốt quá trình phẫu thuật được nhiều người cùng quan sát, nhận định và hội ý với phẫu thuật viên. Quá trình này giúp giảm thiểu những nhận định chủ quan. Việc lưu lại hình ảnh trong quá trình phẩu thuật còn giúp ích cho việc nghiên cứu khoa học.
- Thời gian nằm viện ngắn: Phẫu thuật nội soi giúp cho bệnh nhân nhanh hồi phục, giảm thời gian nằm viện, ít đau sau mổ, tính thẩm mỹ cao.
- Giảm các biến chứng sau mổ: Ngoài ra còn giảm các biến chứng như nhiễm trùng vết mổ, thoát vị thành bụng, dính ruột sau mổ....Chính điều này phẩu thuật nọi soi còn gọi là phẩu thuật xâm hại tối thiểu.
Phẫu thuật nội soi ngày nay đang được phát triển rộng trong nhiều lĩnh vực ngoại khoa, sản phụ khoa, không những can thiệp các cơ quan trong ổ bụng mà ngay cả các cơ quan trong lồng ngực, các ổ khớp, vùng cổ, tai mũi họng …
Một số nguyên tắc
1. Tất cả nhân viên khoa nội soi cần được huấn luyện và tuân thủ các hướng dẫn phòng ngừa chống nhiễm khuẩn nhằm bảo vệ cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
2. Thực hiện các test kiểm tra áp lực hay kiểm tra dò rỉ sau mỗi lần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
3. Cần tháo rời các bộ phận nội soi và ngâm hoàn toàn dụng cụ nội soi vào dung dịch khử khuẩn chứa enzym.
4. Cần làm sạch trước khi khử khuẩn bằng tay hay bằng máy. Làm sạch tỉ mỉ toàn bộ dụng cụ, bao gồm van, ống, bộ phận kết nối, và tất cả các bộ phận tháo lắp được bằng dung dịch enzym thích hợp với dụng cụ nội soi ngay sau khi sử dụng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Dội nước và chải sạch tất cả ống để loại bỏ tất cả chất hữu cơ (ví dụ, máu và mô) và các chất cặn bã khác. Khởi động lặp đi lặp lại các van trong khi làm sạch để chất khử khuẩn tiếp xúc với tất cả bề mặt. Làm sạch mặt ngoài và các bộ phận của dụng cụ nội soi bằng vải mềm, gạc hay bàn chải.
5. Sử dụng bàn chải thích hợp với kích thước dụng cụ nội soi để làm sạch. Dụng cụ nên làm sạch hoàn toàn và khử khuẩn hay tiệt khuẩn giữa các lần sử dụng.
6. Đổ bỏ dung dịch enzym sau khi sử dụng.
7. Các bộ phận nội soi sử dụng lại (như forcep hay kéo cắt) xâm nhập vào hàng rào niêm mạc, nên được làm sạch cơ học và tiệt khuẩn giữa các lần sử dụng.
8. Có thể làm sạch bằng sóng siêu âm các bộ phận nội soi dùng lại để loại bỏ các chất bẩn và chất hữu cơ.
9. Các dụng cụ nội soi tiếp xúc với màng niêm mạc được xem như là các dụng cụ thiết yếu và ít nhất nên được khử khuẩn mức độ cao sau mỗi lần sử dụng.
10. Chọn chất khử khuẩn mức độ cao hay chất diệt khuẩn đã được công nhận để sử dụng.
11. Thời gian tiếp xúc và nhiệt độ để khử khuẩn dụng cụ bán thiết yếu thay đổi tuỳ theo chất khử khuẩn. Nên tuân theo khuyến cáo của FDA đối với khử khuẩn mức độ cao trừ khi nhiều thực nghiệm khoa học, kết luận bởi các tổ chức chuyên nghiệp, chứng tỏ một kết quả khác về thời gian và nhiệt độ sẽ có hiệu quả hơn đối với việc khử khuẩn. Ví dụ, FDA khuyến cáo khử khuẩn mức độ cao với glutaraldehyde > 2% ở 25 độ C trong thời gian 20 đến 90 phút tuỳ theo sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và các tổ chức khác khuyến cáo hiệu quả khử khuẩn của glutaraldehyde > 2% ở 20 độ C trong 20 phút.
12. Chọn chất khử khuẩn hay tiệt khuẩn phù hợp với dụng cụ nội soi. Nên tránh dùng các chất khử khuẩn hay tiệt khuẩn mà nhà sản xuất khuyến cáo không nên dùng vì nguy cơ làm hỏng dụng cụ.
13. Làm ngập hoàn toàn các dụng cụ trong chất khử khuẩn mức độ cao hay chất diệt khuẩn. Khi thấy dụng cụ nội soi không ngậm chìm trong nước
14. Nếu sử dụng máy khử khuẩn nội soi tự động, cần đảm bảo tất cả các dụng cụ được xử lí trong máy một cách hiệu quả. Người sử dụng nên biết và xem lại các hướng dẫn xử lí dụng cụ của nhà sản xuất dụng cụ nội soi và nhà sản xuất máy rửa khử khuẩn và kiểm tra sự tương hợp.
15.Nếu sử dụng máy khử khuẩn nội soi tự động, đặt các dụng cụ nội soi trong bộ phận xử lí và gắn tất cả các bộ phận kết nối ống theo hướng dẫn của nhà sản xuất dụng cụ và nhà sản xuất máy để bảo đảm sự tiếp xúc của tất cả các bề mặt bên trong với chất khử khuẩn hay tiệt khuẩn.
16. Nếu chu trình máy khử khuẩn nội soi tự động bị gián đoạn, hiệu quả khử khuẩn hay tiệt khuẩn sẽ không đảm bảo.
17. Vì máy khử khuẩn nội soi tự động có thể có một số hạn chế, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn nên thường xuyên xem lại các khuyến cáo của FDA, cảnh báo của nhà sản xuất và y văn về các sai sót của máy có thể dẫn đến nhiễm trùng.
18. Sau khi khử khuẩn mức độ cao, tráng lại các dụng cụ bằng nước vô trùng để loại bỏ các chất khử khuẩn hay tiệt khuẩn. Sau khi tráng xong, bỏ nước đã tráng dụng cụ. Dội ống nội soi bằng ethyl hay isopropyl 70 – 90% và làm khô bằng khí nén. Bước làm khô sau cùng sẽ làm giảm khả năng các vi sinh vật trong nước làm tái nhiễm dụng cụ nội soi.
19. Khi lưu giữ dụng cụ nội soi, nên treo thẳng đứng.
20. Dụng cụ nội soi nên lưu giữ đúng cách để tránh lây nhiễm.
21. Khử khuẩn mức độ cao hay tiệt khuẩn chai nước (được dùng làm sạch kính và rửa trong khi nội soi) và ống nối của nó ít nhất mỗi ngày. Trong chai, nên sử dụng nước vô trùng.
22. Có sổ ghi nhận lại từng trường hợp nội soi, tên bệnh nhân, số nhập viện, bác sĩ nội soi, số seri của dụng cụ và máy rửa khử khuẩn (nếu có sử dụng) để giúp điều tra dịch.
23. Kiểm tra thường qui chất khử khuẩn mức độ cao và chất tiệt khuẩn để đảm bảo nồng độ tối thiểu hiệu quả của thành phần có hoạt tính. Kiểm tra dung dịch trước mỗi ngày sử dụng và ghi vào sổ kết quả. Nếu chỉ thị hoá học chỉ rằng nồng độ ít hơn nồng độ tối thiểu hiệu quả, cần huỷ bỏ dung dịch.
24. Huỷ bỏ dung dịch khử khuẩn mức độ cao hay dung dịch tiệt khuẩn khi kết thúc thời gian tái sử dụng. Nếu một dung dịch khử khuẩn mức độ cao hay tiệt khuẩn bổ sung được thêm vào trong máy rửa khử khuẩn, thời gian tái sử dụng được xác định bằng hoạt tính của dung dịch ban đầu.
25. Môi trường sử dụng và khử khuẩn dụng cụ nội soi nên được thiết kế an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Các thiết bị trao đổi không khí nên sử dụng để làm giảm thiểu phơi nhiễm với các hơi độc (ví dụ, glutaraldehyde). Nồng độ hơi độc không được quá mức cho phép. Có thể dùng các mặt nạ phòng hơi độc bảo vệ đường hô hấp, tuy nhiên không khuyên sử dụng nó thường ngày, và không thay thế được việc thiết kế hệ thống thông khí đầy đủ, hút hơi độc và kiểm soát thực hành.
26. Nhân viên phụ trách việc xử lí dụng cụ nên tuân theo các hướng dẫn để đảm bảo làm sạch và khử khuẩn hay tiệt khuẩn đúng cách. Nhân viên này nên được huấn luyện và kiểm tra năng lực định kì.
27. Tất cả nhân viên sử dụng hoá chất nên được huấn luyện về độc tính sinh học, hoá học.
28. Dụng cụ phòng hộ cá nhân (như găng, mắt kính, áo choàng, khẩu trang) luôn có sẳn và được sử dụng đúng cách để bảo vệ nhân viên khỏi phơi nhiễm với các hoá chất.
29.Không khuyến cáo kiểm tra vi sinh môi trường, dụng cụ nội soi một cách thường qui.
30. nếu kiểm tra vi sinh, nên dùng kĩ thuật vi sinh chuẩn.
31. Thực hiện lấy mẫu môi trường nếu có dịch xảy ra nghi ngờ do nguyên nhân nhiễm trùng hay hoá học cho bệnh nhân nội soi.
32. Nhiễm trùng liên quan đến nội soi nên được báo cáo cho khoa chống nhiễm khuẩn
Thao tác
Dụng cụ nhiễm khuẩn → Ngâm ngập trong dung dịch Cidezyme (1-10 phút) hoặc hexanion (10-15 phút) → Cọ rửa bằng bàn chải chuyên dụng, vải mỏng → Rửa dưới vòi nước chảy → Làm khô → Kiểm tra → Bảo quản trong hộp có nắp đậy → Ngâm trong dung dịch Cidex 145 hoặc dung dịch Steranios 2% (hoặc tiệt trùng ở nhiệt độ thấp Sterad) → Tráng sạch bằng nước cất vô trùng → Lau khô bằng khăn vô trùng → Sử dụng
Loại hóa chất có tác dụng tiệt trùng có hiệu quả nhất hiện nay đang dùng nhiều là dung dịch Cidex (Glutaraldehyde 2 %):
- CX145 : Can 5 lít dung dịch dùng trong 14 ngày.
- CX281 : Can 1 lít dung dịch dùng trong 28 ngày.
- CX285 : Can 5 lít dung dịch dùng trong 28 ngày.
Thời gian ngâm ngập các dụng cụ đã rửa sạch: 5-20 phút để diệt vi khuẩn, virus, nấm; trong 1 giờ để diệt bào tử và trong 10 giờ để tiêu diệt các loại nha bào gây bệnh bao gồm nha bào uốn ván và trực khuẩn uốn ván. Sau khi ngâm đủ thời gian lấy dụng cụ ra bằng kỹ thuật vô khuẩn và rửa lại bằng nước vô trùng. Các dụng cụ cần tiệt trùng tiếp xúc hoàn toàn với hóa chất dưới dạng hơi hoặc dung dịch nếu không đảm bảo nồng độ thích hợp và trong một thời gian cần thiết thì tác dụng tiệt trùng kém hiệu quả. Một số hóa chất lại có hại cho dụng cụ, có thể làm rát da, vì vậy phải đeo găng tay khi sử dụng.
|