Đối tác
Updatetap chi suc khoeNghiên cứumediaDiễn đàn NursetabtelemedicineNURSE TVO2 tivisức khỏe cộng đồngĐăng ký thành viêntap chi y hoc thuc hanhonis
Quảng cáo
adminQuảng cáo2Shop xì gà Hà Nội
Điều dưỡng ngoại Hô Hấp

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi

Sau khoảng 5 - 7 ngày bệnh nhân ho và đau ngực tăng lên, tình trạng nhiễm độc ngày càng nặng, hơi thở hôi, bệnh nhân ọc ra mủ sau một cơn ho mạnh hay gắng sức, số lượng nhiều từ 300 - 500 ml/ngày.

Bệnh học áp xe phổi

Đại cương

Áp xe phổi là một tình trạng nung mủ do hoại tử nhu mô phổi sau một quá trình viêm cấp, mà nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn mủ, ký sinh trùng. áp xe phổi có thể xảy ra trên một phổi trước đó chưa có tổn thương gọi là nung mủ phổi tiên phát hoặc xảy ra trên một phổi đã có tổn thương trước đó gọi là nung mủ phổi thứ phát.

Tỷ lệ áp xe phổi khá cao, khoảng 3 - 5% các bệnh phổi nói chung. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi trung niên có tỷ lệ cao hơn. Bệnh thường dễ khởi phát sau yếu tố thuận lợi như thay đổi mùa, cơ thể suy kiệt, uống rượu, thuốc lá, đái tháo đường, ở các bệnh phổi mạn tính hoặc mắc một số bệnh khác làm giảm sức đề kháng.

Tiên lượng của bệnh khả quan hơn kể từ khi có các phương tiện chẩn đoán sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân do vi khuẩn gây bệnh:

Vi khuẩn kỵ khí: đây là những vi khuẩn thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ từ 60 - 80%, đó là: Bacteroide, Fragilis, Peptococus, Peptostreptococus...

Tụ cầu vàng.

Klebsialla pneumoniae.

Các vi khuẩn khác như: phế cầu, liên cầu, vi khuẩn gram âm cũng có thể gây bệnh nhưng ít gặp hơn.

Ký sinh trùng: thường gặp nhất là amíp, có thể nguyên phát, nhưng hầu hết là thứ phát.

Các yếu tố thuận lợi:

Do các vật lạ lọt vào đường hô hấp.

Các nguyên nhân làm tắc nghẽn đường hô hấp.

Các khối u ở phổi, các bệnh phổi có trước.

Bệnh về tim mạch.

Các chấn thương lồng ngực hở, đặt nội khí quản.

Những cơ địa xấu.

Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

Giai đoạn khởi đầu (nung mủ kín):

Sốt cao, rét run, vẻ mặt nhiễm trùng và nhiễm độc.

Ho khan và đau ngực, đau ngực tăng lên khi ho hay thở sâu.

Có thể khó thở nhẹ.

Khám phổi có thể phát hiện được hội chứng đông đặc phổi.

Xét nghiệm máu: thấy bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân tăng, máu lắng tăng.

Chụp phim phổi: thấy hình mờ tròn hay bầu dục, thường gặp ở đáy phổi phải.

Giai đoạn khạc mủ:

Sau khoảng 5 - 7 ngày bệnh nhân ho và đau ngực tăng lên, tình trạng nhiễm độc ngày càng nặng, hơi thở hôi, bệnh nhân ọc ra mủ sau một cơn ho mạnh hay gắng sức, số lượng nhiều từ 300 - 500 ml/ngày. Mủ nhầy, thối, có thể lẫn máu và sau khi ộc ra mủ bệnh nhân cảm giác dễ chịu hơn, sốt giảm, đau ngực giảm dần.

Giai đoạn nung mủ hở:

Sau thời gian ộc mủ khoảng 3-5 ngày, các triệu chứng cơ năng giảm hay mất dần, nếu được điều trị tốt bệnh nhân khoẻ hơn, ăn uống có cảm giác ngon miệng.

Khám phổi giai đoạn này có thể phát hiện hội chứng hang với ran ẩm to hạt.

Chụp phim phổi thấy có một hình hang tròn, bờ dày có mức hơi nước.

Cấy đờm phát hiện nguyên nhân gây bệnh.

Tiến triển và điều trị

Tiến triển:

Trước thời kỳ chưa có kháng sinh đặc hiệu thì áp xe phổi là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong tương đối cao, nhất là trẻ em và người già.

Hiện nay áp xe phổi nhờ có kháng sinh đặc hiệu nên bệnh tiến triển tốt, tỷ lệ khỏi bệnh cao và thường ít để lại di chứng.

Một số biến chứng của áp xe phổi:

Tràn dịch tương, dịch sợi hay tràn mủ màng phổi để lại di chứng dày dính màng phổi, gây suy hô hấp mạn.

Ho ra máu nặng.

Nhiễm trùng huyết.

Viêm màng tim, viêm trung thất.

Giãn phế quản, xơ phổi.

Áp xe phổi mạn tính.

Điều trị:

Điều trị nội khoa:

Nghỉ ngơi hoàn toàn trong giai đoạn tiến triển.

Bù nước và điện giải đầy đủ.

Tiết thực nhiều protid và vitamin nhóm B, C.

Dẫn lưu tư thế hoặc có thể hút mủ qua đường phế quản bằng ống hút mềm.

Thuốc hạ sốt và giảm đau như paracetamol.

Thuốc long đờm và thở oxy nếu cần.

Sử dụng kháng sinh dựa vào cấy đờm hoặc kháng sinh đồ, điều trị kháng sinh phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh khác nhóm bằng đường toàn thân. Tuy nhiên phải dùng kháng sinh càng sớm càng tốt nên trước khi làm kháng sinh đồ có thể dựa vào tần suất hay gặp của các vi khuẩn, đặc điểm lâm sàng, tính chất của đờm để có thể sử dụng kháng sinh thích hợp.

Đối với tụ cầu vàng dùng kháng sinh mạnh, vì tụ cầu vàng thường kháng penicillin: cefalosporin thế hệ III phối hợp với aminosid: claforan hay Rocephin 3-6 g/ngày tiêm bắp hoặc tĩnh mạch phối hợp với gentamicin hay amikacin hoặc vancomycin 30mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch hay truyền tĩnh mạch chia 3 - 4 lần, phối hợp với cefalospin thế hệ III.

Đối với vi khuẩn kỵ khí: penicillin G liều 4 - 20 triệu đơn vị /ngày tiêm bắp hay tĩnh mạch phối hợp với metronidazol 250mg x 4 - 6 viên/ngày. Có thể phối hợp thêm với gentamicin 3 - 4 mg/kg/ngày chia 3 lần.

Đối với Pseudomonas aeruginosa: cefotaxim 3-6 g/ngày phối hợp với kanamycin hay amikacin 1 - 2 g/ngày.

Đối với amip: metronidazol 250 mg x 4 - 6 viên /ngày chia 2 - 3 lần kết hợp với hydroemetin 1 mg /kg/ngày, điều trị trong 10 đến 15 ngày. Phối hợp thêm một kháng sinh như penicillin hay gentamicin.

Điều trị ngoại khoa:

Chỉ định ngoại khoa khi có các biểu hiện sau:

Tổ chức xơ đông đặc không đáp ứng kháng sinh.

Áp xe phổi mạn tính.

Áp xe vỡ mủ vào màng phổi.

Chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi

Nhận định tình hình

Hỏi bệnh nhân:

Bệnh nhân có hít phải vật lạ vào phổi trong thời gian gần đây không?

Bệnh nhân có mắc bệnh về đường hô hấp trong thời gian gần đây không?

Thời gian gần đây có mắc bệnh gì không?

Tình trạng mệt mỏi, đau đầu, sốt sụt cân... như thế nào?

Ho khó thở như thế nào?

Số lượng và tính chất của đờm?

Tình trạng và tính chất của đau ngực?

Trước đây đã bị như vậy lần nào chưa?

Tiến triển của bệnh có nặng lên không?

Tình hình sử dụng kháng sinh và hiệu quả của thuốc?

Quan sát theo dõi:

Tình trạng toàn thân: thể trạng bệnh nhân, tình trạng tinh thần...

Tình trạng hô hấp: tần số và mức độ khó thở.

Ho, mức độ và các biểu hiện khác kèm theo ho.

Số lượng, màu sắc và tính chất đờm.

Tình trạng đau ngực của bệnh nhân.

Thăm khám bệnh nhân:

Kiểm tra các dấu hiệu sống của bệnh nhân.

Kiểm tra tình trạng hô hấp: nhịp thở, sự di động của lồng ngực, lưu ý hội chứng đông đặc phổi hay các âm bất thường ở phổi.

Tình trạng tim mạch: nhịp tim, tiếng tim, các tiếng bất thường ở tim.

Xem kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng.

Đánh giá bằng thu nhận thông tin:

Thu thập qua gia đình bệnh nhân.

Các kết quả khác từ hồ sơ bệnh án và các thuốc đã sử dụng.

Chẩn đoán điều dưỡng

Qua khai thác các giai đoạn trên giúp cho người điều dưỡng có được chẩn đoán điều dưỡng. Một số chẩn đoán điều dưỡng có thể có ở bệnh nhân áp xe phổi như sau:

Tăng thân nhiệt do nhiễm trùng.

Vẻ mặt mệt mỏi do nhiễm trùng và nhiễm độc.

Đau ngực do tổn thương nhu mô phổi.

Nguy cơ tràn dịch màng phổi do áp xe vỡ vào khoang màng phổi.

Nguy cơ nhiễm trùng huyết do điều trị không hiệu quả.

Lập kế hoạch chăm sóc

Người điều dưỡng cần phải phân tích, tổng hợp và đúc kết các dữ kiện để xác định nhu cầu cần thiết của bệnh nhân, từ đó lập ra kế hoạch chăm sóc cụ thể. Khi lập kế hoạch chăm sóc phải xem xét đến toàn trạng bệnh nhân, đề xuất vấn đề ưu tiên.

Chăm sóc cơ bản:

Để bệnh nhân nghỉ ngơi, nằm ở tư thế dễ chịu nhất.

Buồng bệnh phải yên tĩnh, thoáng mát sạch sẽ.

Giải thích cho bệnh nhân và gia đình về tình trạng bệnh tật.

Ăn đầy đủ năng lượng, nhiều hoa quả tươi. Thức ăn lỏng, dễ tiêu.

Hạ sốt bằng cách chườm lạnh hoặc dùng thuốc nếu bệnh nhân sốt cao.

Vệ sinh sạch sẽ hằng ngày.

Thực hiện các y lệnh:

Cho bệnh nhân uống thuốc.

Làm các xét nghiệm cơ bản.

Theo dõi:

Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở.

Theo dõi một số xét nghiệm như: công thức máu, tốc độ lắng máu, soi tươi và cấy đờm, chụp phim phổi.

Theo dõi tính chất ho.

Theo dõi số lượng đờm và tính chất của đờm.

Theo dõi lượng nước vào ra, cũng như chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân.

Theo dõi cách sử dụng thuốc và đáp ứng điều trị.

Giáo dục sức khoẻ:

Bệnh nhân và gia đình cần phải biết về các nguyên nhân, yếu tố thuận lợi, biểu hiện lâm sàng và tiến triển của bệnh để có thái độ điều trị và chăm sóc chu đáo. Cần phải điều trị và phòng bệnh tốt để tránh tái phát.

Thực hiện kế hoạch chăm sóc

Đặc điểm của bệnh nhân áp xe phổi là tiến triển cấp tính, bệnh có thể lành và không để lại di chứng nếu được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc một đúng cách. Bệnh nhân có thể tử vong do những biến chứng của bệnh hoặc do tai biến điều trị.

Thực hiện chăm sóc cơ bản:

Đặt bệnh nhân nằm nghĩ ở tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng về một bên.

Động viên, an ủi bệnh nhân để an tâm điều trị.

Hướng dẫn cách ho và cách khạc đờm cho bệnh nhân.

Ăn uống đầy đủ năng lượng, nhiều sinh tố và cho uống nước ấm.

Vệ sinh sạch sẽ: hàng ngày vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân ho nhiều phải hướng dẫn cho bệnh nhân: nằm đầu cao, nghiêng về một bên, cho bệnh uống nhiều nước ấm, làm ấm và ẩm không khí để cho bệnh nhân dễ thở, các biện pháp trên có tác dụng làm lỏng đờm và bệnh nhân dễ khạc ra.

Thực hiện y lệnh:

Thuốc dùng: thực hiện đầy đủ các y lệnh khi dùng thuốc như: các thuốc tiêm, các thuốc uống. Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất thường, báo cho bác sĩ biết.

Thực hiện các xét nghiệm:

Công thức máu, tốc độ lắng máu.

Đờm để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Chụp X quang phổi.

Theo dõi:

Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở.

Tình trạng ho.

Tình trạng đau ngực.

Số lượng và tính chất của đờm.

Tình trạng sử dụng thuốc và biến chứng do thuốc gây ra.

Tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân.

Giáo dục sức khoẻ:

Bệnh nhân và gia đình cần phải biết về các nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi, biểu hiện lâm sàng và tiến triển của áp xe phổi để có thái độ điều trị và chăm sóc chu đáo tránh tái phát, cụ thể:

Phòng ở phải thoáng mát và sạch sẽ.

Giữ ấm về mùa đông.

Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi điều độ.

Điều trị tốt các ổ nhiễm trùng nếu có.

Đánh giá quá trình chăm sóc

Tình trạng bệnh nhân sau khi đã thực hiện y lệnh, thực hiện kế hoạch chăm sóc so với lúc ban đầu của người bệnh để đánh giá tình hình bệnh tật:

Đánh giá tình trạng ho và khạc đàm.

Đánh giá tình trạng nhiễm trùng.

Tình trạng đau ngực của bệnh nhân.

Đánh giá tình trạng bệnh, mức độ bệnh và các biến chứng.

Đánh giá chăm sóc điều dưỡng cơ bản có được thực hiện và có đáp ứng được với yêu cầu của người bệnh không?

Những vấn đề sai sót hoặc thiếu cần bổ sung vào kế hoạch chăm sóc để thực hiện.



 

trượt trái
trượt phảiEbooks Nursing
^ Về đầu trang